Mức lương ảm đạm nhất trong 5 năm của nghề sale bất động sản
Năm 2019 nhiều nhân viên môi giới, người lao động trong ngành địa ốc, bất động sản nhận mức thưởng Tết thấp nhất từ năm 2015 khi thị trường bắt đầu phục hồi. Toàn bộ thị trường chỉ còn khoảng 20% doanh nghiệp kinh doanh hiệu quả. Theo số liệu thu thập được ở các doanh nghiệp bất động sản có quy mô lớn trên địa bàn TP. HCM, đến cuối quý IV năm 2019, nhân sự ngành địa ốc, đặc biệt là nhân viên môi giới bđs chuyển nghề từ 5 đến 7% (tương đương 3000 đến 4000 người) vì thu nhập giảm mạnh. Nhiều môi giới phải chuyển nghề vì không có hàng bán, vì sự cạnh tranh khốc liệt và trường hợp đó là những môi giới non tay nghề, còn các môi giới có nhiều kinh nghiệm vẫn biết săn lùng, tự tạo ra thị trường. Ngoài ra có 10% lao động trong ngành bất động sản phải làm thêm nhiều công việc khác để cải thiện thu nhập. Sau Tết, nhân sự ngành địa ốc còn có chiều hướng tiếp tục biến động mạnh.
Tăng giá nhà đất tại TP. HCM:
CBRE Việt Nam vừa có báo cáo về tình hình biến động giá nhà đất năm 2019 với việc tăng giá đồng loạt từ phía Đông – Nam TP. HCM trên cả thị trường sơ cấp (chủ đầu tư chào bán lần đầu) lẫn thị trường thứ cấp (mua đi bán lại). Các căn hộ mới đang chào bán tại TP.HCM trong năm 2019 tăng giá từ 10% đến 23% so với các tỉnh khác trong cùng khu vực phía Nam còn trên thị trường thứ cấp, tỷ lệ này biến động mạnh hơn và lên tới 20% – 40% vì nguồn cung nhà đất do vướng thủ tục pháp lý kéo dài, thị trường sơ cấp kém hấp dẫn hơn thị trường thứ cấp.
Có thể xảy ra sốt giá đất nền cục bộ ở một số khu vực năm 2020
Theo dự báo của Hiệp hội BĐS TP. HCM (HoREA), trong 6 tháng đầu năm 2020, các doanh nghiệp bất động sản vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức nhưng từ quý 3, thị trường có thể sẽ được phục hồi và tăng trưởng trở lại, nguồn cung về nhà ở cũng đồng thời tăng lên nhờ có sự tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của các cơ quan có thẩm quyền và công tác hoàn thiện thể chế pháp luật về các quy trình, thủ tục đầu tư xây dựng dự án, nhà ở. Cũng theo HoREA, năm 2020 ít có nguy cơ xảy ra tình trạng “bong bóng” nhà ở, nhưng có thể diễn ra tình trạng sốt giá đất nền cục bộ ở một số khu vực có quy hoạch phát triển đô thị, phát triển giao thông.
598 doanh nghiệp BĐS ngừng hoạt động trong năm 2019
Năm 2019 ghi nhận 598 doanh nghiệp bất động sản đăng ký tạm ngừng hoạt động, tăng tới 36,8% so với cùng kì năm ngoái.
2019 – năm khó khăn với bất động sản và nghề môi giới
Năm 2019 là năm thứ hai thị trường bất động sản và các doanh nghiệp trong ngành phải đương đầu với nhiều khó khăn, thách thức lớn. Theo Báo cáo của Cục Đăng ký quản lý kinh doanh, đến cuối năm 2019 có 89282 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường (tăng 20,2% so với năm 2018). Trong đó, 14 ngành kinh doanh chính có sự tăng lên về số lượng doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động, số doanh nghiệp bất động sản hoàn tất thủ tục giải thể đứng ở vị trí đầu bảng.
Đất Hà Nội ở đâu đắt nhất, rẻ nhất?
Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội vừa kí Quyết định số 30/2019/QĐ về việc Quy định giá của các loại đất trên địa bàn TP. Hà Nội được áp dụng trong giai đoạn từ năm 2020-2024. Theo đó, giá các loại đất ở Hà Nội tăng bình quân 15% so với giai đoạn 2014-2019, riêng giá đất nông nghiệp được giữ nguyên. Đất ở các quận tăng trung bình 16% đối với các tuyến đường trục chính 2 chiều, 12% đối với các tuyến đường 1 chiều và 15% đối với các tuyến đường còn lại. Đất thương mại và dịch vụ tại các quận được điều chỉnh bằng 62 – 65% giá đất ở sau khi điều chỉnh. Trong đó, đối với 4 quận (Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng) điều chỉnh bằng 65%, các quận còn lại điều chỉnh bằng 62%.
Quận Hoàn Kiếm có giá đất cao nhất là gần 188 triệu đồng/m2