Tại Hội nghị Bất động sản Việt Nam 2020 (VRES 2020) do Batdongsan.com.vn tổ chức mới đây, ông Trần Như Trung, Tổng Giám đốc CTCP Phát triển và Tăng trưởng Xanh-Edge cho biết Covid-19 đã tác động tái định hình thị trường bất động sản. Một xu hướng đáng chú ý trên thị trường là sự sụt giảm mối quan tâm đầu tư tại các thị trường truyền thống và làn sóng chuyển dịch về các thị trường ven đô.
Bằng việc phân tích số liệu phản ánh hành vi nhà đầu tư cá nhân trên Batdongsan.com.vn, ông Trung thu được những kết quả đáng chú ý. Trên cơ sở xử lý 29,5 triệu dữ liệu Hà Nội, 34,8 triệu dữ liệu TP.HCM và 404,000 dữ liệu Đà Nẵng, Nha Trang và Phú Quốc, ông Trung nhận ra sự sụt giảm mạnh mẽ ở các thị trường đầu tư truyền thống. Ở một số thời điểm nhất định, mức độ sụt giảm của các thị trường này xấp xỉ 60-70%.
Ông Trung cũng nhận ra một thực tế thú vị đang diễn ra trên thị trường về mối tương quan giữa thay đổi vị trí bất động sản và mối quan tâm đầu tư. Phân tích và khái quát 29,5 triệu dữ liệu thị trường Hà Nội cho thấy khoảng cách từ vị trí quận/huyện quan tâm đầu tư đến quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) càng xa thì mối quan tâm đầu tư càng lớn. Điều này có nghĩa trên thị trường mua bán, càng xa trung tâm càng có nhiều người mua quan tâm so với trước đại dịch Covid-19, càng gần trung tâm thành phố thì càng suy giảm. Mối quan tâm của người đầu tư đang hướng đến các thị trường ven Hà Nội. Bất động sản vùng ven đang chiếm ưu thế trong các kênh đầu tư.
Ông Nguyễn Văn Đính, Tổng Thư kí Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho biết năm 2020, thị trường bất động sản phải đối mặt với khó khăn kép là đại dịch Covid-19 và sự chặt chẽ trong khâu phê duyệt cấp phép dự án của chính quyền. Bối cảnh khó khăn này trở thành chất xúc tác cho thị trường bất động sản có những bứt phá riêng. Vùng trũng của thị trường – những vùng đang phát triển tốt, có tiềm năng trong tương lai đã xuất hiện trong bối cảnh này.
Tại Hà Nội, vùng trũng là các khu vực ngoại biên, ngoại ô. Đất đai trong làng trong xã các huyện như Hoài Đức, Thạch Thất, Sơn Tây, làng cổ thu hút mối quan tâm đầu tư. Chính bởi sự thu hút này mà dẫn đến hiện tượng bất bình thường là trong thời gian ngắn, giá đất bị thổi, mức tăng không tương xứng với hạ tầng khu vực. Ở khu vực phía Nam, vùng trũng đang hút dòng tiền là các tỉnh vệ tinh, giáp ranh TP.HCM như Bình Dương, Đồng Nai. Theo ông Đính, sự ra đời của TP.Thủ Đức với vai trò đô thị tài chính, công nghiệp, giáo dục – nơi dự kiến sẽ tạo ra 2-3% GDP cả nước và đóng góp lớn cho GDP của TP.HCM sẽ là khu vực có sự phát triển mạnh về nhà ở. Một thực tế là quỹ đất của TP.HCM khu vực trung tâm đã kín, trong khi nhu cầu nhà ở luôn tăng. Do đó, các vùng lân cận, giao thoa với TP. Thủ Đức là Bình Dương, Đồng Nai sẽ là khu vực hấp lực dòng tiền vào bất động sản.
Ông Nguyễn Thành Trung, Giám đốc Công ty CP Phát triển nghỉ dưỡng Ngoại Ô cũng nhận định về sự vươn lên mạnh mẽ của bất động sản ven đô. Ông Trung nhấn mạnh sự nổi lên thị trường bất động sản tỉnh Hoà Bình. Theo ông, đây là một trong các điển hình của sự trỗi dậy được nói đến nhiều trong thời gian qua.
Sức hút của bất động sản Hòa Bình không đơn thuần là sự lên ngôi của xu hướng du lịch gần nhà bằng phương tiện cá nhân trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 xuất hiện mà còn đến từ sức mạnh nội tại là sự phát triển của hạ tầng giao thông thời gian qua. Từ năm 2017 cao tốc Hoà Bình – Hoà Lạc thông xe, thay vì mất 2,5 tiếng từ Hà Nội theo quốc lộ 6 thì nay đi chỉ mất 1,5 tiếng đi bằng ô tô. Ngoài ra, trước đó, vào năm 2016, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển khu du lịch quốc gia hồ Hoà Bình đến năm 2030. Hoà Bình đang chuyển dịch cơ cấu kinh tế, bổ sung du lịch – dịch vụ là ngành kinh tế mũi nhọn. Điều này khiến bất động sản thị trường này có bước chuyển mình nhất định. Nhà nước là nhà đầu tư đi trước đầu tư hạ tầng dịch vụ.
Ông Trung nhấn mạnh bất động sản Hoà Bình là làn gió mới, tiêu tiêu biểu cho khả năng bùng nổ của thị trường bất động sản ngoại ô. Thị trường bất động sản ngoại ô nóng lên sau dịch nhưng hội tụ đủ yếu tố và lợi thế để tiếp tục tăng trưởng trong Covid-19.